Một số phương thuốc chữa bệnh từ cây hồng

Quả hồng còn gọi là thị đinh, hay mác pháp vị ngọt chát, tính bình. Quả hồng là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng dồi dào như vitamin A, C, photpho, canxi, sắt… rất tốt cho cơ thể. Các bộ phận trên cây hồng đều là vị thuốc trị nhiều loại bệnh mà ít người biết đến. Sau đây là một số phương thuốc chữa bệnh từ cây, quả hồng mời bà con tham khảo.

Quả hồng là nguồn cung cấp vitamin và chất khoáng dồi dào như vitamin A, C, photpho, canxi, sắt… rất tốt cho cơ thể

Tác dụng chữa bệnh của cây hồng

Tăng cường hệ miễn dịch: Quả hồng rất giàu vitamin C, sử dụng thường xuyên trong chế độ ăn uống có thể giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Nó sẽ như một lá chắn chống lại các loại bệnh như cảm lạnh, cúm, viêm phổi và hen suyễn.

Chống ung thư: Trong quả hồng chứa rất nhiều vitamin A, shibuol, a-xít betulinic và các chất chống oxy hóa, có tác dụng chống lại các gốc tự do trong tế bào, tác nhân gây tổn thương tế bào và dẫn đến căn bệnh ung thư.

Chống viêm, nhiễm trùng: Quả hồng chứa một lượng khá lớn chất catechin và polyphenol (chất chống oxy hóa). Các chất này có khả năng chống viêm rất tốt, nhờ đó, ăn hồng giúp hỗ trợ chống viêm cũng như nhiễm trùng mạnh.

Cầm máu: Trong Đông y, vỏ, rễ, thân cây và tai quả hồng cũng được sử dụng trong các bài thuốc cầm máu.

Tăng cường thị lực: Muốn có một đôi mắt sáng, bạn hãy bổ sung quả hồng vào thực đơn mỗi ngày. Nguồn vitamin A dồi dào sẽ giúp cải thiện thị lực, tăng cường tầm nhìn cho đôi mắt. Ngoài ra, lượng sắt trong quả hồng còn giúp hỗ trợ sản xuất hồng cầu trong máu.

Giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh: Thường xuyên sử dụng loại trái cây giàu chất xơ này có thể giúp giảm bớt các vấn đề liên quan đến hoạt động của đường ruột, giúp cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Chất Tannin trong quả hồng có thể hỗ trợ trị tiêu chảy rất tốt.

Giảm cân: Một quả hồng cỡ trung bình 168g chỉ cung cấp khoảng 31 calo và lượng chất béo cực thấp nên sẽ là món ăn vặt lý tưởng dành cho những bạn gái đang có kế hoạch giảm cân.

Hạ huyết áp: Kali là một khoáng chất được tìm thấy có một lượng đáng kể trong quả hồng giòn. Chất này có thể hoạt động như một loại thuốc giãn mạch, hỗ trợ làm hạ huyết áp và tăng cường lưu lượng máu đi khắp cơ thể, từ đó ngăn ngừa các loại bệnh tim mạch.

Bài thuốc dân gian chữa bệnh từ cây hồng

Điều trị tăng huyết áp: Ép lấy nước quả hồng tươi, hoà với sữa hoặc nước cơm uống, ngày uống 3 lần, mỗi lần nửa chén. Có thể sử dụng để dự phòng tai biến mạch máu não do tăng huyết áp.

Chữa da dị ứng: Quả hồng còn xanh 500g, giã nát, thêm 1.500ml nước vào trộn đều, phơi nắng 7 ngày, bỏ bã, phơi tiếp trong 3 ngày nữa rót vào lọ dùng dần, hàng ngày lấy bông thấm thuốc bôi vào chỗ da bị dị ứng 3 – 4 lần.

Chữa ban xuất huyết do giảm tiểu cầu: Cũng lấy lá hồng rụng mùa thu rửa sạch, phơi khô, nghiền mịn, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, mỗi lần 3g, liên tục trong 1 tháng.

Chữa lưỡi, môi lở loét: Lấy phấn quả hồng 10g, bạc hà 5g, hai thứ trộn lẫn với nhau đem nghiền mịn, bôi vào chỗ môi bị lở, rất mau khỏi. Hoặc chỉ cần lấy thị sương ngày bôi 3 lần vào chỗ bị lở, vài ngày cũng sẽ khỏi.

Chữa đau cổ họng, ho, họng khô ngứa: Quả hồng chín đun nhỏ lửa, ép nước chảy ra cho vào khuôn phơi cho se. Dùng dao cắt thành miếng, phơi khô, ăn ngày vài lần.

Chữa lòi dom: Lấy quả hồng khô (mứt) đốt thành than, tán nhỏ uống với nước cơm hằng ngày, mỗi ngày 8 g.

Chữa tiêu chảy: Quả hồng xanh giã nát, cho vào chút nước sôi để nguội, gạn lấy nước uống rất hiệu nghiệm.

Chữa nôn mửa, lo nghĩ, phiền uất: Tai hồng 7 cái, hột tiêu sọ 7 hạt, hoắc hương 4 g, sa nhân 4 g, gừng tươi 7 lát, hành 2 củ, tỏi 3 nhánh. Tất cả băm nhỏ, hột tiêu sọ nghiền nát, sắc uống trong ngày (nước sắc này còn dùng chữa ho, khó thở). Nếu không có tai hồng, có thể thay bằng cuống và quả hồng cũng được.

Chữa đái dầm: Lấy 10-15 tai hồng thái nhỏ, phơi khô sắc với 200 ml nước, còn lại 50 ml, uống 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Chữa đầy bụng: Tai hồng 8g, đinh hương 8g. Hai thứ tán bột, pha nước sôi hoặc sắc uống.

Chữa nấc: Lấy cuống quả hồng 3 – 5 cái, thêm 5 lát gừng sắc uống. Nếu thêm khoảng 5 – 6g đinh hương càng tốt.

Chữa viêm da lở loét: Vỏ quả hồng 50g, đốt toàn tính, tán nhỏ, trộn với mỡ lợn bôi.

Chữa viêm ruột: Lấy hồng khô thái nhỏ, phơi khô, sao vàng rồi tán thành bột mịn để uống dần, ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g, chiêu bằng nước đun sôi.

Chữa kiết lỵ: Quả hồng khô 50g; Lá mơ lông 30g; Rau diếp cá 30g; Rau mã đề 30g; Kim ngân hoa 30g. Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa. Khi còn 300ml nước thuốc chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. Cần uống liền 9 ngày.

Chữa trĩ nội, đại tiện ra máu: dùng 12g quả hồng khô , sắc uống hoặc nấu cháo ăn ngày 2 lần. Hoặc dùng quả hồng khô, rang vàng, tán mịn, uống 3 lần/lần, mỗi lần 6g.

Chữa các bệnh chảy máu dạ dày, ho ra máu do lao: Lấy lá hồng rụng mùa thu rửa sạch, phơi khô, nghiền mịn, ngày uống 3 lần, mỗi lần 5g.

Chữa nôn, ợ hơi: Tai quả hồng 7 cái, tiêu sọ 7 hạt, hoắc hương 4g, sa nhân 4g, gừng tươi 7 lát, hành 2 củ, tỏi 3 nhánh. Tất cả băm nhỏ, tiêu sọ nghiền nát, sắc uống trong ngày (nước sắc này còn dùng chữa ho, khó thở). Nếu không có tai hồng, có thể thay bằng cuống và quả.

Chữa táo bón: Quả hồng chín 2 quả; Mộc nhĩ đen 10g; Kim ngân hoa 20g. Các vị thuốc cho vào nồi, thêm 600ml nước đun nhỏ lửa cho thuốc nhừ. Khi còn 300ml nước thuốc, cho dầm nát quả hồng, chắt lấy nước, bỏ bã. Người bệnh chia 3 lần uống hết trong ngày, trước khi ăn. Cần uống liền 5 ngày.

Tránh thai: Núm cuống quả hồng 50g sấy khô, tán nhỏ, chia đều thành 6 gói, trước và sau khi hành kinh uống 1 lần, mỗi lần 1 gói, liền trong 3 chu kỳ.

Làm thuốc bồi bổ cơ thể: Dùng quả hồng khô (tức mứt hồng) cho vào mật ong và váng sữa rồi đun sôi nhỏ lửa khoảng 5-10 phút. Để nguội, ăn hàng ngày 3-5 quả vào lúc đói.

Mặt nạ dưỡng da: Chọn quả hồng đã chín mềm, có màu đỏ tươi, không còn vị chát. Bỏ vỏ, bỏ hạt, dùng thìa nghiền nhuyễn rồi trộn với mật ong, lòng đỏ trứng. Rửa mặt bằng nước ấm cho lỗ chân lông nở ra, sau đó thoa đều hỗn hợp lên trong vòng 20 phút. Rửa lại thật sạch với nước ấm.

Lưu ý:

Người bị tiêu chảy, đang bị cảm lạnh không được ăn hồng.

Chỉ nên ăn hồng vào lúc no và nên ăn quả chín, không ăn quả xanh.

Quả hồng có tannin (chất chát), làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột. Ăn nhiều sẽ vón lại, tạo thành khối bã ở khu vực ruột non, dễ dẫn đến tắc ruột.

Phần lớn tanin trong quả hồng đều tập trung ở phần vỏ, khi khử vị chát của hồng, không thể khử sạch toàn bộ tanin trong đó. Vì vậy, bạn không nên ăn vỏ hồng. Nếu ăn cả vỏ dễ hình thành sỏi trong dạ dày.

Không được ăn quả hồng sau khi đã ăn cua vì có thể có phản ứng dị ứng, gây nôn.

Không được ăn quả hồng chín khi vừa ăn các loại khoai vì axít trong quả hồng kết hợp với axít trong khoai có thể gây đầy hơi, chướng bụng./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.